Monday, April 29, 2024

TỰA VÀO DI SẢN MIỀN NAM TỰ DO, TÔI CHỌN ĐỨNG THẲNG


Huỳnh Thị Tố Nga
(Tù nhân lương tâm, nhận án 5 năm tù giam về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ Luật Hình Sự CSVN)

Ba Mươi Tháng Tư, cứ đến gần ngày này là trái tim người miền Nam lại nhói đau. Tôi là một người thế hệ 8x, tuy chưa từng trực tiếp chứng kiến cuộc chiến “nồi da xáo thịt” của đất nước giai đoạn trước 1975, nhưng gia đình tôi, tồn tại hai dòng tư tưởng quốc gia và cộng sản, và ông bà tôi, cậu, dì tôi là những nhân chứng sống cho giai đoạn lịch sử này.

Nhà thờ Đức Bà ngay trung tâm Sài Gòn, một thành phố từng được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông. (Hình minh họa: Chris Jackson/Getty Images)

Cậu ba tôi, đã từng ngã xuống dưới họng súng của những người cộng sản. Cậu út tôi, một người tài hoa của gia đình và xã hội, cũng sống một đời sống dở chết dở dưới thủ đoạn của cộng sản. Ông ngoại tôi, một bác sĩ tim mạch được đào tạo ở Pháp, một trí thức mang tư tưởng cấp tiến, một đời chỉ biết sống với lý tưởng dùng tài đức phục vụ cho con người. Nhân cách của ông ngoại đã ảnh hưởng đến tôi rất lớn, dù khi ông mất, tôi chỉ mới 8 tuổi, nhưng những kỷ niệm về ông tôi chưa từng quên. Tôi chọn nghề y cũng có lẽ ảnh hưởng từ ông. Tư tưởng chính trị của tôi có lẽ từ bé ảnh hưởng từ cậu út tôi, một người có tài và tư tưởng lớn nhưng rốt cuộc lại bị hủy dưới tay cộng sản.

Ngược lại, bà ngoại và hai dì của tôi, cũng là những người trí thức, nhưng lại dùng cả đời phục vụ cho lý tưởng cộng sản.

Cuộc đời luôn có những oái ăm, mà vô phúc cho những người phải sống trong dòng lịch sử đó, họ phải lội ngược xuôi, cuối cùng khi mất đi, đất nước này vẫn đang vật lộn với chuỗi ngày u tối cho những người dân đen, những người ở đáy tầng của đời sống.

Rất nhiều người đã từng hỏi tôi, rằng tôi có ý thức đấu tranh từ khi nào, tôi cũng từng trả lời rằng, tôi có tư tưởng chính trị từ bé, đó là tư tưởng xuất hiện từ vô thức, trước khi tôi hiểu rõ về chính trị là gì thì đã có nó rồi. Bởi vì gia đình hoàn cảnh phức tạp, tôi có được sự nhận thức đa chiều, một kinh nghiệm quý giá.

Dượng tôi, một người từng lăn lộn ở chiến trường biên giới Cambodia, Lào, Thái Lan, ở ông có cả một bầu kiến thức và kinh nghiệm. Ông đã kể cho tôi nghe rất nhiều về cuộc sống của miền Nam. Ông là người đã sống qua hai thời kỳ, ông quá hiểu về chế độ.

Qua lời kể của ông, tôi biết được một miền Nam từng yên bình như thế nào. Người dân được học hành, khám chữa bệnh miễn phí, được hưởng trợ cấp khi khó khăn. Ông dùng từ “nhà thương” chứ không phải gọi “bệnh viện” như bây giờ, vì người dân vào nhà thương, được chăm sóc tận tình và miễn phí.

Ông cũng kể những năm tháng ông lăn lóc ở chiến trường, chiến đấu dưới màu cờ quốc gia. Có những chuyện ông kể, tuy là một góc nhỏ bé, nhưng tôi nhớ hoài. Ở rừng, có gì ăn đó, những lúc lương thực viện trợ của Mỹ chưa đến kịp, phải ăn thú rừng, đôi khi những con thú như voi, vô tình bị trúng đạn chết, người lính đành ăn thịt voi mà sống. Ông kể, cái vòi con voi, nấu lên nó nở to như cái nia. Những kinh nghiệm sống đó, không phải ai cũng trải qua.

Sau năm 1975, ông sống như một người ẩn cư, nhưng vẫn không yên ổn với cộng sản, cuộc sống như người vô gia cư, rày đây mai đó, không giấy tờ tùy thân. Đối với ông, cuộc sống sau năm 1975 như đày ải, mọi tự do bị tước sạch. Từ khi cộng sản nắm quyền, họ chỉ lo thu tóm quyền lực, giống như con khỉ ở rừng, sau khi được thả với tâm lý phải chứng tỏ bản lĩnh, người cộng sản không từ thủ đoạn, dùng chính sách cai trị khắc nghiệt để người dân miền Nam phải tuân phục và sợ hãi. Đấu tố, tù đày, giết chóc diễn ra khắp nơi, những người từng phục vụ cho quốc gia, hầu như không còn đường sống.

Ba Mươi Tháng Tư của gần nửa thế kỷ sau biến cố, tôi đứng ở hiện tại của một đất nước được gọi là “thống nhất.” Nhưng nếu hiện tại của Việt Nam yên bình và nhân dân ấm no, có lẽ tôi đã không dấn thân vào cuộc đấu tranh làm gì.

Tôi không quan tâm quyền lực, chỉ mong muốn một cuộc sống yên bình, tự do và khai phóng tư tưởng. Nhưng thực tế, từ quá khứ cho đến hiện tại của chủ nghĩa Cộng Sản, đời sống Việt Nam không thay đổi, hay chỉ thay đổi hình thức giả tạo để che lấp dưới mắt quốc tế. Bản chất người cộng sản vì lợi ích đảng phái, vì lợi ích cá nhân và quan điểm triệt tiêu người bất đồng, đường lối chính trị của họ mãi mãi vẫn như vậy. Bản chất ác nguỵ của người cộng sản không bao giờ thay đổi.

Kẻ cầm quyền hôm nay, cho người dân ăn bánh vẽ cộng sản nhưng chính họ lại xa rời lý thuyết chủ nghĩa Cộng Sản mà họ rao giảng. Và tôi tự hỏi, những người đang mang mác cộng sản ở Việt Nam hiện nay, thực chất họ đang theo chủ nghĩa gì? Phải chăng đó là chủ nghĩa thực dụng và lợi ích nhóm, thu vén và tiêu diệt những ai thấy họ bộ mặt của họ?

Con đường của tôi và nhiều người Việt Nam khác mong muốn tự do cho đất nước, còn rất nhiều khó khăn phía trước, nhưng khi nào Việt Nam còn chưa được thật sự tự do, cuộc sống người dân còn chưa đủ ấm no cho tầng lớp đáy tầng thì tôi vẫn phải tiếp tục tranh đấu.

Ít nhất, Việt Nam phải được như miền Nam trước kia, một miền Nam tự do, dân chủ và văn minh. Nếu tốt hơn, phải kiến tạo được một Việt Nam giàu đẹp, con người giàu tinh thần dân tộc, đề cao đạo đức, khai phóng tinh thần, hướng thượng và nhân bản, chứ không phục vụ cho một lãnh tụ bất diệt hay đảng phái nào tự cho quyền mình cai trị mãi mãi trên đất nước. [đ.d.]

 Nguồn : https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/tua-vao-di-san-mien-nam-tu-do-toi-chon-dung-thang/

 

Sunday, April 28, 2024

THÁNG TƯ - VÀ MỘT CUỘC GIẢI PHÓNG KHÁC


Thanh Nghiên      NVOL

          Một ngày nọ đi làm về, khi vừa bước vào nhà, tôi đã phát hiện cái bàn thờ ông Hồ Chí Minh không còn ở vị trí cũ. Chắc là bố tôi đã chuyển nó sang chỗ khác. Tôi ngó nghiêng tất cả những vị trí trang trọng nhất mà tôi nghĩ bố tôi sẽ đặt bàn thờ, hoặc chí ít là treo được tấm hình cho xứng tầm với sự “vĩ đại” của ông. Nhưng không, giờ đây nó nằm chềnh ềnh trong thùng rác. Bát nhang và những tấm gỗ nằm ngổn ngang, lẫn với đủ loại gốc rau, vỏ trái cây, ruột cá – thứ mà mẹ tôi vừa vứt vào khi chuẩn bị bữa tối cho cả nhà

Trên chiếc chiếu bố tôi hay ngồi uống trà, ảnh ông Hồ đã bị lột khỏi tấm khung gỗ, nằm vật vờ, méo mó. Tôi lặng lẽ nhặt bức ảnh lên, kín đáo kẹp vào cuốn sổ tay, cất trong ngăn bàn. Tôi sốc, và cả sợ hãi. Một nỗi buồn vô cớ ập đến, bám riết lấy tâm hồn tôi. Hai mươi bảy năm sau cái ngày được gọi là “giải phóng” ấy, bố tôi đã đoạn tuyệt với ông Hồ, với chủ nghĩa Cộng Sản, theo một cách bất ngờ như thế.

          Ngày ấy tôi không hiểu vì sao ông lại làm như thế. Bố tôi không bao giờ giải thích, chỉ nói cộc lốc một câu “Đừng bao giờ nhắc đến ông ta nữa.” Nhưng từ đó, mấy mẹ con tôi phải nghe những lời chửi rủa nhiều hơn, nhất là khi xem chương trình thời sự của đài truyền hình nhà nước, với những câu như “Đ.m. cộng sản” hay “Đ.m. quân lừa đảo.”

          Nhưng vào lúc ấy, tôi vẫn là một thanh niên yêu ông Hồ và tin vào đảng CSVN, dù lý trí không tự giải thích được vì sao lại thế. Nếu hồi đó có người hoạnh họe về niềm tin của tôi, chắc chắn là tôi sẽ không trả lời được. Hoặc nếu có, thì sẽ lại nói như con vẹt, nói cùn như bọn dư luận viên bây giờ.

          Đồng nghĩa với sự sùng bái Hồ Chí Minh và đảng CSVN của tôi lúc đó là sự căm ghét đối với chế độ VNCH, với các nhân vật lãnh đạo miền Nam như Tổng Thống Ngô Đình Diệm hay Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Tôi từng tin rằng, ông Diệm đã lê máy chém đi khắp miền Nam để giết hại đồng bào mình. Tôi từng tin những người lính phục vụ trong chế độ VNCH đều là những người ăn thịt trẻ con, giết phu hiếp phụ. Tôi đã tin, và phải tin, vì ở trường và ở nhà, tôi đều được ấn vào đầu những điều như thế.

          Hai năm sau ngày đập bỏ bàn thờ ông Hồ, bố tôi qua đời. Đó là một sớm mùa Đông Tháng Mười Một Âm Lịch năm 2004 với cái lạnh tê tái, ngọt tận đến xương.

          Tôi dại. Khi bố tôi nhồi nhét đủ thứ mang danh những điều “tốt đẹp, kỳ diệu, vĩ đại” gắn với ông Hồ và đảng CSVN vào đầu óc non nớt của tôi, tôi tiếp thu rất nhanh. Tôi cứ tưởng bố tôi cũng phải dạy con cách từ bỏ Hồ Chí Minh và đảng CSVN giống như cách ông dứt khoát vứt xuống đất, để giúp tôi thôi trở thành kẻ sùng bái họ. Lẽ ra, tôi phải nhận thức được ngay, từ cái ngày ông đập bỏ bàn thờ Hồ Chí Minh với lời tuyên bố “Đừng bao giờ nhắc đến ông ta nữa,” hay những câu chửi tục “Đ.m. cộng sản,” “Đ.m. quân lừa đảo” khi nhìn thấy những lời tuyên truyền trên TV.

           Tôi vẫn tiếp tục yêu ông Hồ như thế, cho đến một ngày, tôi lôi tấm hình ông Hồ ra, tự tay xé nát thành từng mảnh vụn. Lúc ấy cũng vào một ngày mùa Đông năm 2006. Khi ấy, tôi vừa tròn 29 tuổi.

           Mọi thứ, đến chầm chậm với tôi, nhưng dứt khoát và mãnh liệt, qua những trang tin điện tử từ hải ngoại mà tôi phải vượt tường lửa mới tiếp cận được. Có một sự thật rất khác với cái được gọi là “sự thật” mà người ta muốn tôi, muốn cả dân tộc này phải tin.

          Tôi như trải qua một cơn bạo bệnh. Lần đầu tiên trong đời tôi cảm nhận một cách trọn vẹn dư vị của nỗi đắng cay khi biết, và nhận rõ mình bị lừa dối. Và cả sự xấu hổ, ê chề. Tôi chưa bao giờ thấy xấu hổ như thế cho dù không ai nhận ra cơn chấn động tinh thần của mình.

          Đa số, nếu không nói là tất cả người dân miền Bắc, nhất là thế hệ sinh sau năm 1975 như tôi, đều được nhồi sọ là phải tôn thờ Hồ Chí Minh, phải tin tuyệt đối vào “sự lãnh đạo tài tình của đảng.” Cho nên, khi tôi hòa mình vào đám đông im lặng – sản phẩm của sự nhồi sọ ấy, tôi là bạn. Ngược lại, khi tôi đứng lên cùng với sự thật, chính những con người đó đã kết án, đã chửi rủa tôi không chỉ riêng vì tội thôi sùng bái ông Hồ, mà là tội dám từ bỏ niềm tin cộng sản.

          Tôi thấy mình cần phải có một thái độ dứt khoát trước thời cuộc dù tôi chỉ là một đứa con gái còi cọc, nhát gan, nặng chưa đầy 36 kg và nhất là chữ nghĩa chẳng được bao nhiêu. Nếu tôi không làm gì, có lẽ thời cuộc cũng chẳng thèm giận hờn gì tôi cả. Tôi chỉ là một kẻ vô danh trên cõi đời này, thêm hay bớt thì nhân gian này vẫn thế.

           Nhưng tôi cần sám hối, cần xét đoán lại mình, đơn giản để được là chính tôi. Tôi phải tự thoát khỏi cơn mê, chui ra khỏi cái vỏ trứng để làm một sinh linh dù yếu ớt, nhưng nhìn thấy ánh sáng của sự thật và làm chứng cho sự thật. Quyết định ấy không phải sản phẩm của một cơn bốc đồng thời cuộc, sự nổi loạn của tuổi trẻ hay lòng tự ái bị tổn thương, đến ào ạt rồi tan biến để rồi chỉ còn sự tiếc nuối và sợ hãi. Bày tỏ thái độ trước thời cuộc đồng nghĩa với việc bị liệt vào danh sách “kẻ thù của chế độ,” để bước vào một cuộc đời khác đầy bão tố, chông gai và tù đày. Nhưng tôi được là chính mình.

            Tôi không bao giờ quên lần đầu tiên tận mắt nhìn thấy những chú thương phế binh VNCH bằng xương bằng thịt tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn, vào cuối năm 2015. Đêm hôm trước, tôi rất hồi hộp vì sắp được gặp những con người mà mình từng nghĩ oan, từng được giáo dục là phải căm ghét và coi họ như những tội đồ của dân tộc. Lần thứ hai sau gần chục năm, ý nghĩ sám hối lại trở về với tôi.

           Tôi đứng lặng lẽ ở một góc của sân Hiệp Nhất trong nhà thờ, nơi tổ chức các buổi “Tri ân thương phế binh VNCH,” và khóc. Đầu tiên, tôi còn kìm được. Càng về sau, nước mắt càng tuôn ra, với những tiếng nấc cứ lớn dần lên. Một người bạn, là con của một cựu quân nhân VNCH chạy đến, ôm tôi. Cả hai chúng tôi cùng khóc. Chúng tôi khóc, không chỉ xót thương cho “những con người bị bỏ rơi hơn cả” trong chế độ cộng sản tàn ác này. Khóc, để xót thương cho một nửa đất nước từng phồn thịnh, tự do, đẹp đẽ đã bị bức tử bởi những kẻ man rợ nhân danh đủ thứ chủ nghĩa bệnh hoạn. Khóc cho sự ngu dại một thời của tôi, của biết bao người dân miền Bắc vẫn chưa có cơ may, hoặc chưa đủ dũng khí để làm một cuộc gột rửa bản thân đặng góp phần cứu nguy cho dân tộc.

          Quê hương Việt Nam quá dư thừa những nỗi đau. Còn nỗi đớn đau nào đau hơn khi phải chứng kiến cảnh triệu triệu đồng bào ăn mừng trên nỗi đau thương, bất hạnh của triệu triệu đồng bào khác cũng mang tên Việt Nam, vào mỗi dịp Tháng Tư về.

           Dẫu vậy, tôi vẫn tin, và hy vọng rằng ngày mai trên con đường đổi thay đất nước, sẽ rộn rã những gương mặt mà hôm nay rất có thể đang còn ngu dại như tôi thuở nào. Để không còn mang danh “Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm. Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi” (*). Ngày mai, sẽ rộn ràng như thế. [đ.d.]

                                                      ** ** ** **

Sunday, April 14, 2024

CÒN MỘT CHÚT GÌ. . . ĐỂ NHỚ

 

BÙI ĐỨC TÍNH

Ba mươi tháng Tư,
Lại nhớ đời ly hương
Xót xa đau, lặng yên nhìn sông núi
Sông núi quê người khác quê hương
Năm sang năm,
Cứ đến ngày oan trái
Thắp nén hương lòng để nhớ thương.

Đất nước tôi!

Việt Nam, từ tháng Ba 1975, người dân miền Nam cũng đã phải trả cái giá cho Tự Do bằng nước mắt và máu xương của chính mình; trong một cuộc chiến mà họ đã không bắt đầu, và cũng đã không mong muốn. Họ đã phải chiến đấu; chỉ vì không muốn mất những gì đã có, những gì là của mình. Họ không muốn mất Tự Do và đất nước miền Nam!
Từ tháng Ba 1975, đoạn đường chiến tranh đã vào một khúc quanh khốc liệt mà phía trước lại là ngõ cụt, không có lối thoát. Đất nước Việt Nam mình thì đã có biết bao chuyện về tháng Ba, chuyện Tháng Ba Gãy Súng, với lắm tang thương, lắm tủi nhục. Và rồi, dù là bị bắt buộc đi trình diện, hay bị bắt, bước đi với súng giặc kề lưng. Tất cả đều là tù binh! Làm tù binh đều là nhận cái sống, và đã không chết như chiến hữu, chết trong chiến trận…

Chương 2 Xuân Quê Hương của Thuyền Đời, có đoạn kể lại rằng:

Rời khỏi trại tù, về với gia đình đã mấy tháng nay; tôi vẫn còn lắm thứ ngỡ ngàng, lắm điều xa lạ. Phố xá, láng giềng, bây giờ không còn giống với những hình ảnh thân yêu trong ký ức; trước khi miền Nam bị mất, vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Đất nước mất chủ quyền. Nhân dân mất quyền tự do. Láng giềng thay chủ. Chủ mới là gia đình hay thân quen của những người phục vụ cho chế độ mới, chế độ cộng sản. Những người chủ cũ đã bị nhà cầm quyền cưỡng bức phải bỏ nhà cửa ra đi. Họ phải vào sống trong các vùng hoang sơ. Chốn lưu đày này có tên gọi hoa mỹ là “Vùng Kinh Tế Mới.” Những căn nhà nào coi được mắt đối với kẻ thắng cuộc, đã bị tịch thu với bất cứ lý do nào đó mà họ muốn, …

Xã hội cộng sản gông cùm đời sống, trói buộc tư tưởng người dân. Người quen, và người chưa từng biết nhau, cùng giống nhau ánh mắt tránh né, đầy e dè, sợ sệt. Người ta trông như đang mang những mặt nạ. Những mặt nạ có cùng một khuôn mẫu. Chúng giống nhau nét u uất với mệt mỏi, mất niềm tin, hết hy vọng ở tương lai. Chúng nó có cùng nụ cười gượng gạo, cười chào lấy có.

Thế nhưng, cái khung cảnh quanh tôi, bây giờ, lại có rất nhiều thứ quen thuộc, không khác chi mấy, so với thời còn trong lao tù; nơi mà chế độ cộng sản gọi là “trại cải tạo.” Bây giờ, quanh quẩn nơi đây cũng lá cờ máu, cũng chữ vàng trên băng vải đỏ, cũng cái đài phát thanh. Cái đài phát thanh của nhà nước the thé giọng đọc chanh chua, huênh hoang với những ngôn từ tuyên truyền lừa mị, kỳ dị, chướng tai… Chúng nó chí chóe châm chích màng tai dân chúng từ sáng sớm đến khuya tối. Nơi đây, bây giờ cũng thế, cũng đêm “họp tổ” để “kiểm điểm,” “đấu tranh,” “đấu tố” ...

Mang xác thân trở về nơi phố cũ
Phố xưa đây, sao vẫn thấy ngỡ ngàng
Màu cờ máu vây kín mù ước vọng
Tự do đây? ... sao như chốn lao tù!

Từ tháng 8 năm 1954, đồng bào miền Bắc đã bỏ quê nhà để lánh nạn cộng sản mà di cư vào miền Nam tự do, trong chiến dịch có tên là “Đường Đến Tự Do” (Operation Passage to Freedom.) Ngay cả sau khi đã hết hạn di cư vào Nam, đồng bào mình vẫn liều mạng sống, bằng đường bộ hoặc ghe thuyền; bằng mọi cách để trốn khỏi chế độ cộng sản ở miền Bắc. Đến đầu năm 1956, đã có đến 927.000 người di cư vào sống trong miền Nam tự do. Thế rồi năm 75, người đã tìm được tự do nơi miền Nam, lại phải trốn chạy cộng sản thêm lần nữa; phải vượt biên và vượt biển tìm tự do. Lắm người, hai mươi năm đã phải hai lần biệt xứ. Biết bao người còn bị lưu đày, ở ngay trên đất nước của mình. Người ra đi như kẻ bị lưu đày nơi xứ lạ. Triệu người đã không sống sót để ghi lại những trang sử đen hãi hùng, khi Nhân Quyền bị đảng cưỡng đoạt...

Trong lịch sử, người Việt Nam chỉ rời bỏ quê hương vì đã bị dồn vào cùng đường, không còn lối thoát nào khác hơn. Họ bỏ nước ra đi không phải vì chiến tranh! … Suốt 20 năm chiến tranh, người Việt đã vẫn ở lại trên đất nước Việt Nam để chiến đấu chống lại quân cộng sản, đã hy sinh để bảo vệ lãnh thổ và quyền tự do của miền Nam.

Cuộc di cư vĩ đại đã chỉ xảy ra sau khi Sài Gòn bị sụp đổ, sau khi dứt tiếng súng, đã hết chiến tranh. Đồng bào Việt Nam chỉ phải bỏ nước ra đi sau khi cộng sản chiếm trọn Việt Nam. Họ đã phải rời bỏ quê hương Việt Nam chỉ vì cùng đường, chỉ vì không thể sống dưới chế độ cai trị bạo tàn của cộng sản Việt Nam … Ðây còn là một cuộc bỏ phiếu vĩ đại chọn được sống tự do; chống lại chế độ cộng sản bằng chính mạng sống của mình!”

Vì tự do hàng triệu đồng bào đã phải xa lìa quê hương!

Những người được Ơn Trên ban cho ơn phúc đến nơi an toàn và được định cư. Tất cả đều là những người may mắn. Điều may mắn nhất, đó là được làm người tự do, được sống như con người trên đất nước tôn trọng nhân quyền.

Tháng 4 lại trở về!

Mỗi năm vào tháng 4, khi hỏi lòng mình có còn nhớ, hay đã quên, hay không nên nhớ chi đến thuyền nhân, tỵ nạn… có lẽ lòng mình dù muốn hay không cũng phải nhìn nhận sự thật, dù có phũ phàng.

Cơn gió cũng có lúc đổi chiều!

Lòng người trải qua thời gian?

Nếu còn nhớ, thì chắc phải nhớ nhiều thứ lắm. Nhất là khi thấy thời gian chừng như đã qua nhanh hơn, càng tiếc và nhớ nhiều hơn. Nhớ và nuối tiếc những gì đã qua, đã mất mát. Thế nhưng, có những mất mát không gì thay thế được, mà thời gian cũng không thể mang vào quá khứ!

Sắp trọn 50 năm, nỗi đau, niềm nhớ vẫn là những vết thương đau của dân tộc đã chưa lành và sẽ không bao giờ lành; khi mà hàng năm, cứ vào ngày 30 tháng 4, quân cộng sản vẫn tàn nhẫn dẫm đạp lên mà nhảy nhót ăn mừng “Đại thắng mùa xuân.”

Bên cạnh nuối tiếc thường là ước mơ. Ước mơ của người tỵ nạn, thuyền nhân thì nhiều lắm. Ước mơ cho đất nước, dân tộc chừng như quá lớn lao, xa vời, để được nhìn thấy trong đoạn đời còn sót lại. Vòng thời gian đã không chậm lại, thoáng vụt qua. Gần 50 năm qua, lắm ước mơ chỉ vẫn là ước mơ, nói ra không biết có phải cũng là thừa và niềm vui tự do, hạnh phúc tan biến khi tỉnh giấc. Ước mơ chỉ đầy thêm tuyệt vọng! Có khi, chỉ mỗi một nguyện vọng được quỳ hôn đất thân yêu như trong hùng ca “Cờ ta bay trên Quảng Trị thân yêu,” mà gần 50 năm qua đi vẫn là ngàn trùng xa cách.

Miền Nam đã mất Sài Gòn.

Tùy lòng người khi quay trở về, và cho dù có mật ngọt đầu môi, Sài Gòn hôm nay đã không còn là Sài Gòn khi chưa bị mất tên.

Ta mất thật rồi, Sài Gòn xưa vĩnh viễn chôn vùi!



30 tháng 4, 2024

Bùi Đức Tính

 THÔNG BÁO V/v TỔ CHỨC BẦU CỬ TÂN BAN CHẤP HÀNH & TÂN BAN GIÁM SÁT KHU HỘI CỰU TNCT/VN NAM CALIFORNIA NHIỆM KỲ 2025 - 2028 -Tham chiếu Đ...