Tác giả: Đàm Hà Phú
Người dưng đầu tiên là bà Tư Huê, bà Tư hồi trước làm mướn cho nhà kia, từ thời chế độ cũ, hồi đó hay kêu bằng Dzú, hồi đó là chị Dzú chớ chưa phải bà Dzú, là người coi sóc cho hai đứa con của một ông sĩ quan, ở hẳn trong nhà. Chị Dzú siêng năng, làm giỏi, thân thiết với gia đình lắm, nhưng sau hai đứa nhỏ lớn hơn chút, dù tụi nhỏ rất quyến luyến với chị Dzú nhưng nhà ông sĩ quan nọ lại không muốn chị ở lại đêm (mà thực ra cũng một phần do bà sĩ quan phu nhơn ghen bóng ghen gió gì đó), ông sĩ quan mới mua cho chị Dzú căn nhà này, hồi đó là bảy chỉ vàng, để ở riêng, ban ngày tới làm việc nhà thôi. Rồi chính biến năm 75 xảy ra, cả nhà ông sĩ quan nọ di tản trước ngày Sài Gòn thất thủ, nhưng ông sĩ quan khá tử tế, mới để lại cho chị Dzú ít tiền (sau đó cũng chẳng có giá trị gì), một cây vàng, và ký giấy cho chị căn nhà nhỏ mà ổng mua cho chị ở. Căn nhà, dù nhỏ và trong hẻm thôi, nhưng là cả gia tài của chị.
Sau 1975, chị Tư Huê cũng từng làm đủ thứ nghề, từ mua bán chạy chợ, làm công nhân xí nghiệp, rồi làm móng dạo, rồi sau kẹt quá, mới mở gánh bún riêu canh bún bán ngay cửa nhà, quán bình dân nên bà con cũng ủng hộ, chủ yếu kiếm đồng ra đồng vô. Mấy lần, hồi còn khó khăn, bà Tư Huê cũng có quen người này người kia, bạn bè môi giới cũng nhiều người, nhiều ông cũng khá lắm, đẹp trai nữa, mà rồi chẳng hiểu sao, lần lữa mãi cuối cùng bà vẫn sống một mình, đến lúc lỡ thì. Ai hỏi sao bà hông ưa ông nào hết vậy, bà cười nói, mấy ổng mê hộ khẩu với cái nhà, chớ có yêu thương gì Tư đâu.
…
Người dưng thứ hai là cô Biên, cô Biên người Phú Yên, nghe vần êm êm ha. Thời vé số dạo mới thịnh, cô Biên là một trong những người đầu tiên bỏ xứ vô Sài Gòn bán vé số. Một lần, cô Biên mới đi bán lòng vòng trong hẻm, ngang quán của Tư Huê, bữa đó mưa gió, ăn xong tô bún riêu rồi cô Biên buột miệng nói, buồn khổ mà ăn tô bún này vô thấy hết buồn hết khổ luôn. Vậy là, sẵn cũng vắng khách, hai người ngồi lại, tâm sự một hồi lâu, đến mức quên mất thời gian, quá giờ trả vé, cô Biên cầm hơn trăm tờ vé số khóc nức nở, giờ sao đây trời. Bà Tư Huê thấy vậy, lại cũng vui chuyện, nói thôi lỗi phải tự tui, tại tui cầm chưn bà nãy giờ lo nhiều chuyện quá, để tui mua hết xấp này, phải trúng thì tui bà chia. Cả hai ngồi mở ra-dô dò, dĩ nhiên là trật lất, nhưng mà cũng vui.
Hoàn cảnh cô Biên thảm thương lắm, cha mẹ cô mất sớm, cô ở với bà ngoại, đến lấy chồng, rồi cứ sảy thai hoài, đẻ đứa nào cũng chết đứa đó, đến đứa thứ ba thì chồng có vợ khác, suốt ngày chửi đánh cô. Nên cô Biên buồn quá, mới bỏ nhà đi vô Sài Gòn bán vé số, kiếm được đồng nào, trừ tiền ăn uống, tiền nhà trọ, cô Biên đem cho một ngôi chùa, nơi nuôi dưỡng mấy chục đứa trẻ mồ côi hoặc bị bỏ rơi. Cô nói, mình không có phước nuôi con, thôi thì nuôi con người khác cũng được, tui mà có nhà như Tư Huê đây, tui nuôi chục đứa luôn. Câu nói đó làm bật lên một ý nghĩ trong đầu Tư Huê. Ê, bà nói có lý nha.
Vậy là, mấy bữa sau, cô Biên về ở với Tư Huê luôn, cô Biên vẫn đi bán vé số, Tư Huê vẫn bán bún riêu, hết giờ bán vé số thì cô Biên về phụ Tư Huê buôn bán, dọn dẹp, rửa nồi rửa tô… rồi hai người làm hai tô cơm, khúc cá kho tiêu, ngồi nói chuyện rôm rả rôm rả.
…
Người dưng thứ ba và thứ tư là hai chị em con Mén thằng Cồ. Con Mén lớn hơn thằng Cồ hai tuổi, thực ra không phải hai chị em ruột rà gì hết, nên cũng coi như hai người dưng. Tụi nó lúc còn nhỏ thì ở trong cái chùa mà cô Biên hay ghé đến góp tiền công quả, sau mới được một cặp vợ chồng hiếm muộn nhận về nuôi ăn học, nhận cả hai đứa luôn, coi như chị em. Mới học được chừng nửa năm nhà đó có chuyện, ông chồng trốn nợ bỏ đi biệt xứ, còn bà vợ thì bị tâm thần luôn, lúc tỉnh lúc điên, lúc điên thì vác dao đòi chém chị em con Mén. Hai chị em nó mới hoảng quá, con Mén dẫn thằng Cồ, líu ríu bỏ nhà đó, kiếm đường chạy về chùa lại, chạy lòng vòng lạc đường, đói khát, may quá mới gặp cô Biên. Cô Biên nhớ mặt mới hỏi tụi bây đi đâu đây. Nghe hai đứa khóc kể một hồi, cô Biên nói thôi về ở với cô, với má Tư, chớ vô chùa cũng hổng khá hơn đâu.
…
Vậy là căn nhà có 4 người dưng, hai đứa nhỏ đi học, hai người lớn mưu sinh. Láng giềng thấy vậy cũng mừng cho 4 người họ, ai có đồ gì cũng đem qua cho, hai chị em con Mén thằng Cồ được cho nhiều đồ, quần áo quá trời, đến nỗi bận không hết, phải đóng nguyên một bao tải, để cô Biên lấy xe chở vô chùa cho lại mấy đứa nhỏ khác. Chiều về, bữa cơm rôm rả hơn trước, ai nấy kể chuyện, chuyện trường lớp, chuyện ngoài đường, rỉ rả. Buổi tối tiếng trẻ nít học bài ê a ê a, tiếng bà Tư Huê chặt xương chuẩn bị nồi bún sớm mơi lốp cốp lốp cốp, vui lắm.
…
Có chuyện này, cũng có liên quan, ông Sĩ Quan năm xưa, chủ của Tư Huê, đã chết lâu rồi, hôm rồi bà sĩ quan phu nhơn mới dẫn cả nhà về lại Sài Gòn, dẫn hai đứa con về thăm Tư Huê, tụi nó cũng còn nói được tiếng Việt chút chút, hai đứa giờ là hai ông cao to, ngoài ngoài bốn chục rồi vẫn đứng khoanh tay thưa Dzú, rồi cả ba ôm nhau khóc, Tư Huê nói tưởng Dzú là người dưng, bây quên rồi phải không? Hai ông kia nói đâu có, Dzú là mẹ Hai, Dzú là Sài Gòn, đâu phải người dưng.
•Đàm Hà Phú.
No comments:
Post a Comment