XƯA NAY CHINH CHIẾN MẤY AI VỀ

Bài của Lam Nguyen.

● Mình có quen một cô là nữ hộ sinh trước 1975. Cô Tuyết có chồng tử trận năm 1972, khi đó cô đang mang bầu đứa con út được bảy tháng. Do hoàn cảnh gia đình, mãi đến năm 2012, cô mới có thể đi tìm hài cốt của chồng ở vùng A Sầu, A Lưới. Nghe cô kể lại chuyện đi tìm hài cốt có nhiều chi tiết thật ly kỳ. Nơi cô đã tìm được chồng vẫn còn hài cốt của bốn người lính khác mà cô không biết thân nhân ở phương nào để báo tin. Thật là đau lòng cho tất cả những người lính hai bên sau ngày hòa bình hơn 40 năm, nắm xương tàn vẫn gửi nơi rừng xa và không hề có ai hương khói.
Hôm nay tình cờ đọc bài viết về chuyện hài cốt của một người lính cũng khá cảm động. Mình đã nhắn tin hỏi thêm một số thông tin và ghi chép lại như sau đây. Qua câu chuyện này càng thấy rằng tình người vẫn là điều quý giá của cuộc sống. Câu chuyện được kể lại bởi người cháu ruột của cố Trung úy phi công Việt Nam Cộng Hòa Vũ Đình Long.
Ông Vũ Đình Long , sinh năm 1947 ở Qui Nhơn, Bình Định. Cha là cụ Vũ Đình Vĩnh, cựu công chức Pháp. Mẹ là bà Công Tằng Tôn Nữ Tuyết Mai, một quận chúa chị em họ với vua Bảo Đại. Năm 1967, ông Vũ Đình Long đậu tú tài hai. Năm 1968 nhận lệnh động viên vào khoá 4/68 Trường Võ bị Thủ Đức. Mãn khóa, ông trúng tuyển vào không quân và được đưa đi Hoa Kỳ học khoá phi cơ vận tải. Kết thúc khóa học , ông về Việt Nam phục vụ tại Sự đoàn I không quân , chức vụ sau cùng là trung uý trưởng phi hành đoàn AC119, phi đoàn 821 AC119K Tinh Long.
Rạng sáng ngày 16/4/1975 trung úy Vũ Đình Long được lệnh cùng phi hành đoàn bay ra Phan Rang để yểm trợ cho các phi đoàn trực thăng giải cứu Phan Rang. Ông không biết đêm hôm đó Phan Rang đã thất thủ. Tướng tư lệnh vùng Nguyễn Vĩnh Nghi và tướng Sang tư lệnh Sư đoàn 6 không quân cùng một số sĩ quan tuỳ tùng đã bị bắt sống.
Sau khi hạ độ cao quan sát và tìm kiếm thì máy bay của ông bị phòng không không quân Bắc Việt bắn cháy bên cánh phải. Sau khi cho toàn bộ phi hành đoàn nhảy dù, trung úy Vũ Đình Long một mình bay ra biển. Đơn vị của ông đã thông báo máy bay bị bắn cháy và phi công mất tích. Ngày 30/4 /1975, gia đình trung úy Long ra tìm kiếm nhưng vô vọng. Những ngày sau đó, thân nhân của ông, người vượt biên, người đi tù cải tạo.
Ngày 16/8/1992, gia đình ông bất ngờ khi thấy trên trang quảng cáo báo Tuổi Trẻ có tin nhắn “tìm thân nhân ông Vũ Đình Long”. Lập tức, họ liên lạc với người đăng tin thì được biết đó là em Phương, một thanh niên mới đậu đại học, vào Sài Gòn chuẩn bị nhập học. Phương có người chú trong gia đình nhờ em đăng tin này trên báo Tuổi Trẻ. Em đã cho địa chỉ người chú và vẽ đường vào một làng chài nhỏ ở huyện Tuy Phong, tỉnh Ninh Thuận.
Vài ngày sau, người cháu ruột của Trung úy Vũ Đình Long là anh HaiVu Dinh cùng một người em chạy xe honda hơn 350 km đến huyện Tuy Phong. Đến nơi, hai anh em kiếm nhà nghỉ vì trời cũng đã xế chiều. Ngày hôm sau, họ dậy sớm vào làng chài để tìm nhà vị ân nhân. Người nhà sau khi mời hai anh emvào nhà đã cho người xuống biển tìm ông. Đó là một ngư dân có nước da đen sạm và nhìn rất khỏe mạnh. Ông pha trà mời khách và bắt đầu kể.
Vào khoảng cuối tháng 4/1975, ông đi lưới cá một mình trên chiếc thuyền nhỏ thì bất ngờ gặp xác chết trôi của một phi công nổi trên biển. Ông lấy dây cột thi thể, kéo vào bờ và đào huyệt chôn gần bờ biển. Ông nói là mình làm việc này cũng chỉ nghĩ là làm phước thôi. Mỗi lần ra biển, ông đều đến mộ thắp nhang cầu hương linh viên phi công phù hộ cho ông gặp bình an và may mắn.
Vài năm sau , có một trận bão lớn thổi vào Tuy Phong. Sáng ra, ông thấy hài cốt viên phi công bị sóng đánh trồi lên trên. Lúc này ông mới thấy từ chiếc giày rớt ra bao nylon trong có giấy căn cước quân nhân và thông tin cá nhân. Ông bèn đưa hài cốt viên phi công về nghĩa trang làng chôn cất tử tế và khấn xin nhận viên phi công làm em nuôi bởi ông không có vợ con, hiện sống chung với người anh ruột. Khi nghe đứa cháu vào Sài Gòn chuẩn bị nhập học, ông đã nhờ cháu đăng thông tin trên báo. Tuy nhiên, ông cũng không dám hy vọng có lời phản hồi bởi trong rừng mẫu tin quảng cáo hằng ngày trên các báo, có mấy ai để ý đến những thông tin tìm thân nhân.
Sau những giờ hàn huyên, ông dẫn gia đình trung úy Vũ Đình Long ra thăm mộ. Khi nghe gia đình có ý kiến xin cải táng hài cốt trung úy Long về Sài Gòn để gần gũi với gia đình thì ngư dân này nói những việc cần làm tại địa phương, ông sẽ lo hết. Đến ngày hoàn tất việc di dời hài cốt, đại diện gia đình có lời tạ ơn ông đã chôn cất, nhang khói cho người mất suốt 17 năm qua. Gia đình xin gởi món quà để tỏ lòng biết ơn của gia đình đến ông, mới đầu ông không nhận nhưng sau với lời lẽ khẩn thiết, chân thành của họ, ông đã nhận và khóc thật xúc động khi phải “chia tay” người em nuôi.
Sau một ngày đưa hài cốt chạy từ Phan Rang về đến Sài Gòn, cả gia đình Trung úy Vũ Đình Long đã đợi ông ở đó và tiến hành lễ mai táng, kết thúc hành trình 17 năm tìm về gia đình của hương linh viên phi công. Âu cũng là một cái duyên đầy may mắn cho Trung úy Vũ Đình Long khi ông gặp được người ngư dân tốt bụng và khi cơn bão đã đưa những thông tin cá nhân của ông lên khỏi mặt đất.
Còn lại, trên mảnh đất Việt Nam này, biết bao nhiêu hài cốt người lính đã không tìm được đường về nhà. Một người quen của mình kể rằng những lần đi tìm hài cốt binh lính của hai bên, bởi ảo giác hay bởi vọng tưởng, chị “thấy” họ nằm trên võng, nằm trên mặt đất với những vết thương không bao giờ liền miệng.
Nói như TT Võ Văn Kiệt, tháng Tư có triệu người vui thì cũng có triệu người buồn. Vì vậy, xin hãy tưởng nhớ và thắp một nén hương lòng cho tất cả những người lính chưa tìm được đường về nhà!
● Lam Nguyen.
Bao Nguyen Quang chuyển...


No comments:

Post a Comment

  THÔNG BÁO V/v TỔ CHỨC BẦU CỬ TÂN BAN CHẤP HÀNH & TÂN BAN GIÁM SÁT KHU HỘI CỰU TNCT/VN NAM CALIFORNIA NHIỆM KỲ 2025 - 2028 -Tham chiếu ...