Sông Lô Lê Nam Sơn lược dịch
Phóng tác theo tự truyện "the Battle of Kontum" của cựu đại tá
Lục Quân Hoa Kỳ William S. Reeder, được đăng trên tạp chí Aviator VHPA
2009, Vol 27, số 2. Đây là một tạp chí của một số cựu chiến binh Hoa Kỳ
chiến đấu tại mặt trận Kontum viết lại những gì họ đã trải qua tại mặt
trận này.
Đường link nguyên bản bằng tiếng Anh là:
Tôi lược dịch câu chuyện đầy cảm động này là của một cựu đại tá
Lục Quân Hoa Kỳ đã về hưu kể về thân phận tù binh của mình và những
người lính VNCH bị sa cơ rơi vào tay của quân CS BắcViệt tại chiến
trường miền Nam. Máu và nuớc mắt của họ đổ xuống trên đường bị áp giải
hay trong các nhà tù, họ bị tra tấn, cùm kẹp đến kinh hoàng nhưng để
được sống còn họ cứ phải đau đớn cam chịu đế rồi tiếp tục lây lất đi cho
hết con đường lao khổ. Bị hành hạ đau đớn về thể xác, tủi nhục về tinh
thần cùng với bao mối đe dọa khủng khiếp thường trực giáng xuống thân
phận những kiếp tù binh khốn khổ này đã là như thế nào.
Câu chuyện bắt đầu lúc ông đang mang cấp bực đại úy với chức vụ
là phi công trực thăng tấn công AH-1G Cobra thuộc Căn cứ Halloway đồn
trú cạnh phi trường Cù Hanh, Pleiku và trung úy hoa tiêu khu trục Nguyễn
Đình Xanh thuộc Phi Đoàn 530 Thái Dương, Không Đoàn 72 Chiến Thuật cũng
đồn trú tại Pleiku. Cùng với mình, trung úy Nguyễn Đình Xanh đã được
tác giả trân trọng đưa vào câu chuyện đầy máu và nước mắt này.
Ngày
07 Tháng 12 năm 1971, đại úy phi công trực thăng William S. Reeder bắt
đầu nhiệm vụ đợt hai của mình tại Việt Nam. Lúc bấy giờ, chương trình
Việt Nam hóa chiến tranh của Tổng thống Nixon đang được tiến hành, binh
sĩ Hoa Kỳ ồ ạt rút khỏi VN, hầu hết gánh nặng cuộc chiến được trao lại
cho QLVNCH. Kế hoạch rút quân tiến hành đúng như yêu cầu, hoạt động chủ
lực cũng như du kích của cộng quân ở khắp chiến trường miền Nam giảm sút
thấy rõ. Tuy nhiên trong những khu rừng già bên kia biên giới, thuộc
vùng lãnh thổ của Lào và Campuchia, giới có thẩm quyền về quân sự, ai
cũng biết, quân đội chính quy Bắc Việt đang ngấm ngầm củng cố lực lượng
với âm mưu thôn tính. Qua những tiếp xúc tại MACV & SOG (Military
Assistance Command Vietnam and Studies Observations Group = Nhóm nghiên
cứu và quan sát thuộc Bộ chỉ huy yểm trợ quân sự Hoa Kỳ ở Việt Nam) đại
úy William S. Reeder cũng cảm nhận được điều này.
Quả
vậy, sự yên tĩnh kéo dài chẳng được bao lâu. Mùa xuân 1972, bất thần
cộng quân ồ ạt mở những đợt tấn công vào những căn cứ phòng thủ của quân
lực VNCH, chúng phát động hàng loạt những cuộc tấn công quy mô trên
khắp chiến trường miền nam. Lính Mỹ chúng tôi gọi đây là cuộc tấn công
"mùa Phục Sinh 1972" (1972 Easter Offensive) mà người lính VNCH gọi là
"Mùa Hè Đỏ Lửa". Cuộc tấn công này không mang ý nghĩa chiến lược như cái
mà họ gọi "cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968".
Tại vùng I chiến thuật, chúng xua quân vượt sông Bến Hải băng
qua vùng phi quân sự, ải địa đầu giới tuyến của VNCH, đánh chiếm Quảng
Trị, ở vùng III, từ bên kia biên giới Kampuchia chúng tiến đánh vào Bình
Long, ngõ hầu làm bàn đạp cho mưu đồ tiến đánh thủ đô Sài Gòn sau này.
Cùng lúc, trên cao nguyên trung phần, thuộc vùng II chiến thuật, từ
những mật khu bên kia biên giới Lào và Campuchia chúng vượt biên giới
tấn công ồ ạt vào những đơn vị biên phòng của QLVNCH hòng chiếm cho được
Kontum cắt đứt vùng Cao Nguyên để chế ngự vùng duyên hải trung phần.
Khởi
đầu chúng cũng đạt được một số thành công, nhưng hầu hết các mục tiêu
quan trọng đã bị từ chối. Ở vùng I chiến thuật, chúng chỉ tiến chiếm đến
Quảng Trị, và đã bị đẩy lùi sau đó. Cũng vậy, Ở vùng III trận Bình Long
và ở cao nguyên trung phần thuộc vùng II, lúc đầu chúng chỉ chiếm được
một số tiền đồn xung quanh Kontum, nhưng rồi cũng bị đánh bại. Nói chung
mọi thủ đoạn xâm lược của chúng đều bị bẻ gãy trước sức chống trả mãnh
liệt của Quân lực VNCH qua sự yểm trợ hỏa lực tận tình của những đơn vị
Hoa Kỳ còn lại.
Tờ
mờ sáng ngày 09-5-1972, tôi chỉ huy một phi vụ gồm 2 chiếc trực thăng
Cobra yểm trợ một căn cứ bộ binh của QLVNCH ở Polei Klang nằm phía cực
tây tỉnh Kontum gần biên giới Kampuchia đang bị địch quân ồ ạt tấn công
bằng chiến xa có pháo yểm trợ và đang lâm vào tình trạng nguy kịch. Trên
đường bay yểm trợ đợt 2, sắp đến mục tiêu, bất thần tôi thấy một chiếc
khu trục A-1 Skyraider đang nhào lượn thả bom thì bị bốc cháy bởi trúng
đạn phòng không của địch. Chiếc Skyraider đâm nhào xuống đất nổ tung,
may mắn, viên phi công đã kịp thời phóng ghế thoát hiểm và đang treo lơ
lửng trên không bằng chiếc dù của mình.
Làm
sao có thể làm ngơ trước một đồng minh đang lâm nạn, tôi đã ba lần gọi
về đơn vị khẩn thiết yêu cầu được phép tiếp cứu viên phi công thay vì
thi hành nhiệm vụ đang được giao. Nhưng cả ba lần yêu cầu đều bị từ
chối, thế là bó tay, tôi vô cùng uất ức vì đã không giúp được gì cho
viên phi công bị lâm nạn kia trong lúc mình có thể. Uất thì uất vậy,
nhưng vẫn phải tiếp tục nhiệm vụ chính của mình với nỗi xót xa canh
cánh. Lẽ dĩ nhiên, lúc bấy giờ tôi đã chưa thấu hết được mức độ khẩn cấp
tại chiến trận, nơi buộc tôi phải đến để thi hành nhiệm vụ.
Tôi
bay vào mặt trận mà ngỡ như bay vào tổ ong bị động. Lúc ấy, nhiều xe
tăng địch đã vượt qua những hàng kẽm gai phòng thủ, cộng quân tràn vào
căn cứ, những quân nhân sống sót còn lại của đơn vị rút hết vào hầm chỉ
huy cố thủ.Vừa triển khai tác xạ vừa nhận lệnh yểm trợ một chiếc trực
thăng biệt phái có trang bị hỏa tiễn chống chiến xa mới nhất, tôi thi
hành đúng theo mệnh lệnh và hoàn tất tốt. Toàn bộ vũ khí được trang bị
như súng máy, rocket, lựu đạn đã được tôi sử dụng tận tình.
Tôi bay vội về Kontum tái trang bị và lấy thêm nhiên liệu như
lần trước rồi cấp tốc chuyển hướng đến một mặt trận lớn hơn đang diễn ra
tại một trại tiền đồn ngay tại vùng tam biên. Nơi này được gọi là Ben
Het, Có một tiểu đoàn biên phòng của QLVNCH gồm 300 binh sĩ và sĩ quan
cùng hai cố vấn Mỹ, Mark Truhan và Bob Sparks. Họ đã bị hai sư đoàn Bắc
Việt tấn công có xe tăng hỗ trợ.
Cất
cánh từ Kontum để thi hành phi vụ chiến đấu thứ ba trong ngày của mình,
tôi đâu có ngờ, phi vụ thứ ba này cũng là phi vụ định mệnh của tôi. Tôi
được lệnh hộ tống những chiếc máy bay trực thăng Huey chở tiếp tế vũ
khí cho mặt trận Ben Het, vì cấp số đạn dược của đơn vị biên phòng này
đã được sử dụng gần như cạn kiệt, ngay cả vũ khí chống chiến xa cũng hết
sạch. Nhờ sự yểm trợ đắt lực của chúng tôi những chiếc Huey đã hoàn
thành nhiệm vụ tiếp tế quan trọng của mình.
Sau
nhiều đợt bay lượn vừa tránh né vừa tác xạ xuống mục tiêu, chiếc Cobra
của tôi hùng dũng nhào lượn trong không gian mịt mù lửa khói, bỗng nó
lảo đảo ngã nghiêng, tôi cố lấy lại thăng bằng nhưng nó không còn ngoan
ngoản tuân theo sự điều khiển của mình, nó đã bị trúng đạn và chỉ trong
giây phút đã bốc cháy, đâm nhào theo đường trôn ốc rồi chạm đất nổ tung
ngay sau khi tôi và Tim, viên trung úy phụ tá bay cùng kịp thời thoát
hiểm. Nhưng Tim chết sau buổi chiều hôm ấy vì bị thương nặng. Phải nói,
Tim là một sĩ quan trẻ xuất sắc nên tôi đã chọn anh làm trung đội
trưởng (Platoon Leader) dưới quyền của mình và lẽ tất nhiên, kể từ khi
về đơn vị anh luôn bay chung với tôi cho đến bây giờ. Tôi cũng bị thương
nhưng cố lẩn trốn đến 3 ngày sau mới bị bắt.
Dù
đang trong tình trạng nửa chết nửa sống, tôi vẫn bị tra khảo, vừa bị
gẫy xương lưng, vừa bị thương chân, máu từ vết thương ở mắt cá chảy ra
trong giày bốt quánh lại khô cứng. Tôi cũng không thể nào tự tiểu tiện
hay đại tiện nên đã để nó tự ị ra quần, đã thế, tôi còn bị vô số vắt bám
vào người hút máu, có con chui cả vào mũi, trông thật thảm hại. Ấy vậy
mà bọn áp giải có tha đâu, hai cùi chỏ tôi bị chúng trói ngược ra sau
bằng sợi dây, rồi cứ thế mà tra khảo đánh đập. Chúng xiết dây trói mạnh
đến nỗi xương vai tôi bị trật cả khớp và cấn vào chỗ xương lưng bị gẫy,
đau đớn khôn cùng.
Tra
khảo miết rồi cũng chán, chúng trả lại tôi đôi giày đã bị lấy mất dây
và vớ, áp giải tôi qua những lối mòn ngoằn ngoèo trong rừng rậm, tôi đau
đớn lê lết theo chúng đến ba ngày liền mới đến được trại giam. Đôi bàn
chân tôi lúc bấy giờ trông bầy hầy như hai cái Hamburger còn sống. Tôi
ước đoán, trại giam này nằm đâu đó bên kia biên giới phía bắc lãnh thổ
Campuchia. Trại này đúng là một điển hình của những trại giam mà ai là
tù binh cũng đều trải qua. Trại làm bằng tre, nằm sâu trong rừng, chung
quanh được chắn bởi hai hàng rào làm tường cũng bằng tre, ở giữa là một
cái hào, nó chẳng khác nào như thành hào thời trung cổ, khiến người ta
liên tưởng tới những tiền đồn của kỵ binh Hoa Kỳ thời khai phá miền tây
hoang dã.
Dưới
hào là những tre vót nhọn cắm sâu vào đất được phủ lềnh bềnh bởi lớp
phân người hôi thối. Thiết tưởng, nếu ai đó bị rơi xuống không tự lên
được thì thế nào cũng chết, không chết vì bị chông đâm vào cơ phận nguy
hiểm thì cũng sẽ chết vì bị mất máu, hoặc nếu không chết ngay vì những
vết thương thì cũng chết dần vì bị nhiễm trùng. Một thân cây bắt ngang
hào làm cầu vào trại, ai muốn qua phải cố mà giữ thăng bằng nếu không
muốn bị ngã nhào. Bên trong hai hàng tường tre ấy là những cái cũi nhốt
tù binh thấp lè tè cũng bằng tre.
Tù
binh nhiều nhất vẫn là những người lính VNCH, thứ đến là lính biệt kích
Mỹ người Thượng (Mountainyards) và vỏn vẹn chỉ có hai lính Mỹ gồm tôi
và một phi công trực thăng bị bắt trước đó chừng một tháng, tổng cộng
cũng vài trăm. Với tù binh chúng đối xử tồi tệ còn hơn đối xử với thú
vật, chân thì họ cùm cứng vào cùm gỗ trong cái cũi thấp lè tè với bao
thương tích, bệnh tật và lẽ dĩ nhiên là lất lây đói khát. Tôi vì xương
lưng gẫy, hể nằm xuống là đau, cũng không thể nào nằm nghiêng được nên
đành phải ngủ ngồi. Đêm về, lũ chuột khốn nạn lục lọi khắp cũi, chúng
tha hồ gặm nhấm vết thương ở mắt cá chân, cũng bởi hai chân bị cùm,
xương lưng bị gẫy khó có thể nhúc nhích nên tôi đành chịu trận. Thú
thật, cho đến bây giờ tôi vẫn còn ghét chuột.
Mỗi
ngày một lần, không đúng giờ giấc, tù nhân được ra khỏi cũi để đi cầu,
tù nhân nào bụng dạ không còn đủ khả năng kiềm chế thì cứ tha hồ mà tự
phóng ra quần trước khi được tháo cùm để đi cầu, điều thảm hại là có rất
nhiều tù nhân chúng tôi bị tiêu chảy nên cũng chẳng ai thèm để ý đến
chuyện tự phóng ra quần này vì nó đã trở thành chuyện cơm bữa. Nói là
nhà cầu cho lịch sự, chứ thực ra nó chỉ là vài cái hố được bắt ngang bởi
mấy khúc cây và phủ hai bên bằng những lá cây rừng, thế thôi. Vấn đề là
có nhiều người trong số tù nhân bị đau yếu hay bị tiêu chảy đã không
thể nhịn được để đi đến đấy như đã nói, nên đã phải ị tại chỗ, khiến cả
khu vực đầy ắp phân người.
Một số tù nhân bị thương hay bịnh nặng không đi được, thì cứ
việc nằm dài trên những cái võng gần đó để tiện lợi khi có nhu cầu, còn
ai đủ sức xuống được võng thì ráng mà lết đến hố, bằng không thì cứ nằm
đó mà ị. Hậu quả là, cả khu vực quanh mấy cái hố la liệt phân người là
phân người, nó nhiều đến đổi những tù nhân còn khỏe, muốn đi cầu phải
tránh lắm mới đến được và lẽ dĩ nhiên, sau đó phải tự mình làm sạch bằng
bất cứ cái gì.
Nước
uống của tù nhân được đựng trong những ống tre, dù họ bảo là nước đã
được nấu chín, nhưng tôi vẫn bị tiêu chảy khi uống vào. Lương thực cũng
là một vấn đề, chỉ có một món duy nhất là gạo nấu thành cơm và nắm lại
từng nắm, mỗi nắm bằng trái cam, mỗi ngày họ phát 2 lần, lúc gần trưa
một nắm và xế chiều một nắm. Thỉnh thoảng, tù nhân được họ phát cho
những khúc rễ cây thế cơm, mà họ gọi là sắn dây, giống như rễ cây
“yucca” ở trung Mỹ.
Sụt
mất 20 ký chỉ trong vài tuần lễ, trông tôi vừa kệch cỡm vừa khôi hài
như một bộ xương di động có chùm râu dài. Suốt thời gian 5 tháng, tôi
không hề được chăm sóc về y tế hay được cấp phát bất cứ thứ thuốc men
nào. Lẽ dĩ nhiên, không phải riêng tôi mà tù nhân nào cũng vậy. Có một
tù nhân còn trẻ nằm chung cũi với tôi, anh bị thương nặng ở ngực, không
hiểu đã được băng từ bao giờ, có lẽ trước khi bị bắt đồng đội anh đã
băng cho thì phải, nhưng trong suốt thời gian chung cũi, tôi không hề
thấy anh được thay băng, thỉnh thoảng anh nhích băng lên thấy vết thương
là một lổ sâu hoắm với mủ là mủ, tôi biết sẽ không bao giờ lành, tuy
vẫn còn khỏe, nhưng tôi chắc anh sẽ không qua khỏi.
Tù
binh chúng tôi lếch nhếch như những con thú dại, trong điều kiện bẩn
thỉu, đói khổ và bệnh tật nên hầu như ngày nào cũng có người chết. Xác
họ được vùi đại đâu đó phía bên ngoài trại.
Ngày
2 tháng 7 năm 1972, tôi được đưa ra khỏi cũi, lom khom xếp hàng cùng
với nhóm 25 tù binh VNCH và 1 tù binh Mỹ khác để nghe nói chuyện, chính
lúc bấy giờ tôi mới biết trong nhóm tù binh này có một phi công bị bắn
rơi cùng ngày với tôi khi anh đang bay chiếc khu trục A-1 Skyraider yểm
trợ cho trại Polei Klang như tôi đã kể trên. Tên anh là Xanh, Trung úy
Xanh người mà sau này, tôi không thể nào quên được. Viên trại trưởng đến
nói chuyện rồi trấn an chúng tôi, theo đó, chúng tôi sẽ được chuyển đến
một nơi khác, thuận tiện hơn, sẽ được cho ăn no hơn, và được chăm sóc y
tế.
Chẳng
những thế, ông còn khôi hài cho chúng tôi một tin vui là là sẽ được
quyền nhận thư từ và bưu phẩm của gia đình, nếu có. Ông bảo, cuộc hành
trình sắp tới sẽ kéo dài khoảng 11 ngày, và yêu cầu chúng tôi phải cố
gắng di chuyển sao cho đến nơi. Lời yêu cầu “Phải cố gắng di chuyển sao
cho đến nơi” của viên trưởng trại này chẳng làm tôi lưu tâm, vấn đề lưu
tâm nhất trong hiện tại của tôi là, sẽ được chuyển đến một trại tương
đối tốt hơn.
Mấy
ngày sau, bằng đôi chân trần của mình, lũ tù binh chúng tôi bắt đầu
cuộc hành trình, tất cả bị trói lại, người này trói cách người kia độ
nửa thước bằng một sợi dây và cứ thế mà dặt dẹo di chuyển trông như con
rêt đang bò dưới những lùm cây lá. Dù bị trói chúng vẫn không rời súng
mà cứ kè chằm chặp phía sau, tuy nhiên, khi toán di chuyển được vài ngày
thì chúng cởi trói. Thật ra, chẳng phải vì lệnh lạc mà cũng chẳng phải
vì lòng nhân đạo, họ tự biết rằng chính tự bản thân lũ tù nhân chúng tôi
còn không đủ sức để mà bước thì nói gì đến việc chạy trốn, hay cũng có
thể vì nhịp độ di chuyển chậm cũng nên.
Sức
tôi càng ngày càng đuối, phần vì thiếu chất, phần vì đủ thứ bệnh không
tên hành hạ, thứ đến, là những vết thương bấy lâu không thuốc men đã làm
độc và ngày càng tồi tệ. Lại nữa, những con vắt cũng chính là mối nguy
trong hoàn cảnh thiếu dinh dưỡng này, chúng không chỉ hút máu mà còn gây
bao viêm nhiễm do độc tố từ chúng truyền sang.
Trung
úy Xanh cũng nằm trong tình trạng bi thảm này nhưng nói chung vẫn còn
đỡ hơn tôi. Hàng ngày, lê mỗi bước đi là cả một sự phấn đấu về thể xác
lẫn tinh thần, nếu ai đó dừng lại không nối theo đoàn người, không bước
tới nghĩa là người ấy sẽ chết. Trong cuộc sống đời thường, người ta có
thể tự kết liểu đời mình theo ý muốn bằng những hành động ngu xuẩn,
nhưng khi đã rơi vào thân phận tù binh thì lại khác, bản năng sinh tồn
tự nó mạnh mẽ làm sao, nó bắt người ta phải cam go chiến đấu từng giây,
từng phút để được sống còn.
Trong
cuộc hành trình gian khổ này, nếu ai muốn chết thì quá dễ, cứ việc
buông xuôi đầu hàng là sẽ được toại nguyện. Nhiều người đã làm vậy, họ
gục ngã ngay những ngày đầu tiên trong trại hay trên bước đường di
chuyển để rồi nằm xuống vĩnh viễn. Một số khác gắng sức lê theo cuộc
hành trình nhưng rồi cũng lần lượt bỏ cuộc. Cứ hãy tưởng tượng, đang lúc
mỏi mòn lê bước về phía trước, bỗng nghe súng nổ phía sau, cũng có
nghĩa là, có một tù binh khốn nạn nào đó đang được thoát kiếp. Tính cho
đến khi đoạn đường vác thánh giá này kết thúc, lũ tù binh chúng tôi đã
bỏ rơi lại 6 mạng trong hoàn cảnh nói trên. Wayne Finch, người tù binh
Mỹ thứ hai ngoài tôi cũng đã rơi vào trường hợp này.
Cuộc
hành trình không kéo dài 11 ngày như họ nói và đích đến cũng chả phải
là một trại tù nào đó nằm trong khu vực như đã dự đoán mà là một lộ
trình dài hun hút đầy gian khổ kéo lê thê hơn 3 tháng, ngược đường mòn
Hồ Chí Minh, vượt hàng mấy trăm dặm hướng ra bắc. Quả là ác mộng, một
cơn ác mộng thật khủng khiếp. Mỗi bước đi của mỗi một tù nhân là mỗi
bước gian nan đọa đày không bút mực nào kể xiết. Ngoài bệnh tiêu chảy
ra, người tôi còn vướng phải 3 loại sốt rét khác cũng như vô số ký sinh
trùng trong đường ruột!
Tôi
lê những bước đau đớn bởi những vết thương làm độc ngày càng tệ hại, tử
thần cứ như muốn kề cận, cái chân bị thương thì cứ sưng phù lên với
những vết nứt chảy mủ hôi hám vô cùng. Mỗi cuối ngày, khi kết thúc một
đoạn đường rừng trên dưới 10 cây số là cả một phấn đấu cùng tột. Buổi
sáng, ngay sau khi thức giấc cũng vậy, phải phấn đấu lắm mới đứng dậy
được, máu dồn xuống cái chân bị thương cùng với sức nặng của người đè
xuống, ôi sao là đau đớn.
Trung-úy
Xanh, người phi công của QLVNCH dù tự thân cũng không khá gì, nhưng
không hiểu sao? bởi cảm tình hay vì cảm thông tôi là một trong hai người
Mỹ lạc loài vì đâu đang có quê hương tự do thanh bình, có cuộc sống ấm
no sung túc không chịu hưởng để qua chi cái đất nước chiến tranh chết
chóc và khốn nạn này để mang họa vào thân? có lẽ là vậy cũng nên, nên
chi suốt cuộc hành trình anh vẫn thường cạnh kề an ủi và giúp đỡ. Thỉnh
thoảng anh khích lệ tôi bằng những lời lẽ chân tình, nhất là ở mặt tinh
thần, anh thường quan tâm và làm những gì có thể để giúp tôi giữ được
lạc quan mà củng cố niềm hy vọng. Chính vậy, dù tình trạng dẫu ngày càng
tồi tệ, nhưng tôi không để mất hy vọng, kể cả cái ngày mà lý ra tôi
phải chết, nếu như không có Xanh.
Để
được lạc quan hai tôi đã cố gắng duy trì đầu óc khôi hài, đây là việc
làm không mấy đơn giản nhưng rõ là cần thiết. Ở hoàn cảnh này, tinh thần
là yếu tố quan trọng, nó có khả năng quyết định sự sống còn, ngay cả
khi tình trạng trở nên tuyệt vọng nhất, óc khôi hài trợ lực cho tinh
thần, cho dù đau đớn và gian khổ Xanh vẫn thường hài hước với tôi bằng
những hình ảnh trông vừa khôi hài vừa dị hợm đến khốn nạn của chính
mình.
Như
đã nói, mỗi ngày, tôi thức dậy bằng tất cả ý chí để đứng lên mà bước
tới, phải phấn đấu hết mình trong suốt ngày hôm đó để tiếp bước trên
đường mòn ngoằn ngoèo dài hun hút. Có lúc tưởng như không thể nào đứng
dậy, nhưng không hiểu bằng phép lạ nào, tôi cứ vẫn đạt được mục tiêu của
mỗi ngày, để rôi hôm sau lại tiếp tục kinh hoàng lập lại.
Nhưng
rồi ngày tệ hại nhất của tôi đã đến, lưỡi hái tử thần như đang lăm le
phía trước, mắt tôi tự dưng hoa lên, tôi cố gắng hết mình nhưng sao cứ
lảo đảo muốn ngã, tôi vận dụng toàn bộ sinh lực, loạng quạng bước tới
nhưng rồi lại chúi ngã, tôi nhắm nghiền mắt, cầu nguyện xin có thêm sức
mạnh nhưng vẫn không đứng dậy được. Lực bất tòng tâm, ý chí thì còn,
nhưng cơ thể thì đành chịu và tên vệ binh đến kia rồi, lưỡi hái tử thần
đến kia rồi, hắn nhìn xuống, ra lệnh cho tôi bò dậy, nhưng tôi vẫn nằm
im bất động, hắn quát tháo ầm ỉ, tôi vẫn bất động. Xem như xong đời.
Bất
chợt Xanh xuất hiện, mặc cho tên vệ binh quát tháo xua đuổi, Xanh vẫn
không chùn bước, anh cúi xuống nhìn tôi với vẻ mặt lo âu rồi đanh thép
nhìn tên vệ binh bất chấp những lời đe dọa, anh cúi xuống vực tôi dậy,
nối hai tay tôi qua cổ anh rồi kê cái lưng gầy gò của mình để tôi gục
lên, với tư thế này, anh đã kéo lê tôi cho tới cuối ngày. Đôi lúc, cũng
có anh em tù nhân khác thay thế, nhưng chung quy, gánh nặng trong ngày
hôm ấy đã dồn hết lên vai anh. Quả là một con người phi thường, chỉ vì
lòng nhân ái, chỉ vì tình nhân loại mà Xanh đã bất chấp nguy hiểm đến
tính mạng của mình để cứu lấy tôi.
Rồi
đến một đoạn phải qua một dòng nước chảy xiết xen lẫn những tảng đá to
được người ta dựng một thân cây lớn bắt ngang làm cầu, tôi lạng quạng
từng bước, cố giữ thăng bằng nhưng rõ là không còn sức mà giữ, mà ngay
cả ý thức về thăng bằng cũng trốn đâu mất tiệt. Cái chân bị thương vô
dụng đã hại tôi, nó kéo lệch tôi về một phía khiến người tôi chao đảo
rớt tùm xuống nước. Lúc ấy Xanh và Wayne đang ở phía trước, vội vàng
quay lại lội xuống nước kéo tôi lên bờ. Họ nài nỉ bọn vệ binh cho phép
cả nhóm tạm dừng chân cho đến khi tôi đủ sức tiếp tục cuộc hành trình,
nhưng lời nài nỉ đã bị từ chối.
Xanh và Wayne quyết không chịu rời tôi, mãi cho đến khi đám vệ
binh tiến tới, dí súng vào người và lôi cổ họ đi. Tôi lờ mờ thấy Xanh và
Wayne vừa đi vừa ngoái đầu lại rồi khuất dần cùng với toán tù binh, tôi
thầm biết là mình sẽ không bao giờ còn gặp họ nữa. Người đồng cảnh, ai
mà không biết, ở trường hợp này xem như tôi bị bỏ lại để mà chết, như
nhiều người đã bị. Trong phút giây còn lại ngắn ngủi này tôi chỉ biết
cầu nguyện cho Xanh và nhắm mắt chờ đợi, chờ đợi cho đến khi nghe tiếng
đoàng, thế là xong kiếp.
Thế
nhưng tiếng đoàng chờ đợi ấy đã không xảy ra, không hiểu do một phép lạ
nào đã khiến cho đám cộng sản không có lương tâm này phải dừng tay tàn
bạo, chúng đem tôi vào một trạm giao liên, rồi chăm sóc y tế, cho ăn
uống và đồi xử dễ chịu hơn. Ngày qua ngày, tôi an dưởng ở đây được một
thời gian ngắn, nhờ không phải di chuyển và được chích kháng sinh, sức
khỏe tôi dần hồi phục, tôi đã có thể tự đứng dậy và đủ sức bước đi.
Một hôm, chúng cho tôi nhập bọn với một đoàn bộ đội đang di
chuyển về Bắc, một tay vệ binh đã được chỉ định theo tôi làm công việc
áp giải.
Cuộc
hành trình cũng gian khổ không kém gì những đoạn đường tôi đã đi qua,
duy những gì kinh hoàng với tôi nhất thì đã được bỏ lại sau lưng. Một
ngày nọ, khi đến một khúc quanh nhỏ, khuất tầm giám sát của tên vệ binh
đi phía sau, tôi đã vụt bỏ chạy vào rừng chui nhủi trốn thoát trong mấy
bụi cây để rồi cuối cùng cũng bị hắn lùng xục bắt lại, tuy giận dữ,
nhưng hắn đã không bắn, mà chỉ hung hãn chĩa súng sau lưng và ra lệnh
tôi tiếp tục đi. Cuộc hành trình cứ vậy mà tiếp tục cho đến khi sắp tiến
vào lãnh thổ miền Bắc, tôi được cho nhập với một nhóm tù binh VNCH
khác, và cuối cùng hướng về Hà Nội. Sau khi trải qua mọi thủ tục cũng
như những trại tù khác nhau, tôi được đưa tới Hỏa Lò, một nhà tù kiên cố
dùng để nhốt tù binh Mỹ ngay trong lòng Hà Nội, đã được các tù binh Hoa
Kỳ mỉa mai gọi là "Hanoi Hilton" (Khách sạn Hilton Hà Nội) và ở đó cho
đến ngày được trao trả theo hiệp định.
Trở
về Hoa Kỳ, tôi đã cố công tìm hỏi tin tức về Xanh nhưng hoàn toàn không
có kết quả. Tôi cũng có tìm gặp những quân nhân người Việt đang thụ
huấn tại Hoa Kỳ nhưng cũng không ai biết gì. Sau 1975, miền Nam rơi vào
tay cộng sản, tôi càng ra sức tìm kiếm càng chuốc lấy thất vọng.
Vài
năm sau, trong một cuộc hội ngộ với hai cựu tù nhân VNCH, 1 anh cùng đi
chung toán tù binh nhứ nhất với tôi và 1 anh cùng toán thứ hai tên là
Phạm Văn Tăng và Nghiêm Kế. Ngoài những thăm hỏi xã giao, mừng tủi nhắc
nhớ những ngày tù xưa, tôi đã nhờ hai anh giúp tôi trong việc tìm Xanh,
nhưng rồi cũng không đi đến đâu. Họ cũng chỉ thông tin đến tôi qua những
gì họ biết lời đồn đại, đại khái như, sau khi Sài Gòn thất thủ Xanh đã
bị CS bắt lại và có thể đã bị chết trong tù, Thế nhưng, tôi vẫn nuôi hy
vọng, tôi vẫn tiếp tục dò hỏi với những mong ít nhất cũng phải biết được
những gì đã xảy ra với Xanh hay tệ lắm nắm được tin tức về những người
thân của anh.
Những
năm gần đây tôi đã dùng mạng internet để tìm Xanh, lúc đầu không đâu
vào đâu, bỗng một hôm tôi phát hiện được trang mạng của nhóm hoa tiêu
khu trục A-1 Skyraider thuộc Không lực VNCH và được biết trong nhóm có
cả những hoa tiêu cùng phi đoàn với Xanh ngày trước. Mừng quá, không để
mất cơ hội, tôi liền nhắn ngay vào trang chủ là muốn tìm Xanh, Nguyễn
Đình Xanh trung úy hoa tiêu khu trục A-1 Skyraider thuộc Phi Đoàn 530
Thái Dương, Không Đoàn 72 Chiến Thuật và cho số điện thoại của tôi. May
quá, chỉ vài ngày sau là tôi nhận được hồi âm bằng Email. Điều bất ngờ
là người hồi âm đó lại chính là Xanh, và ngay sau đó anh gọi điện thoại
nói chuyện trực tiếp với tôi. Lần đầu tiên nghe lại giọng anh sau 35 năm
biệt vô âm tín, thử tưởng tượng là tôi mừng rỡ đến như thế nào.
Chúng
tôi hẹn gặp nhau và chỉ một thời gian ngắn sau đó một cuộc hội ngộ đầy
cảm động giữa tôi và Xanh ở miền Nam California. Thoạt đầu, mở cửa đón
tôi là một người đàn ông á châu đứng tuổi, tóc điểm râm, ngay phút giây
đầu tiên ấy, tôi ngờ ngợ tự vấn, có phải là Xanh đây không? ngờ ngợ thì
ngờ ngợ vậy, mắt tôi đã không bị đánh lừa, tôi nhận ra ngay, đích thị là
Xanh đây rồi chứ ai. Tôi ôm chầm lấy xanh, mừng mừng tủi tủi, những
giọt lệ tràn lên mí mắt mà hạnh phúc dâng trào. Ôi, cho mãi đến ngày hôm
nay, ở đất nước tự do này chúng tôi mới tìm lại được kể từ cái ngày tôi
gục ngã đâu đó trên Trường Sơn có con đường mòn Hồ Chí Minh khốn kiếp,
mắt nhòa lệ nhìn theo anh như là một thần hộ mạng của tôi đang bị vệ
binh dí súng ép qua cầu mà lòng chứa chan đau đớn vì phải buộc lòng bỏ
tôi nằm lại chờ chết.
Xanh
ơi! Anh có biết rằng chính những gì anh đã cứu giúp tôi trong những
chuỗi ngày đen tối nhất đã là nguồn lực vô biên để tôi phấn đấu cho sự
sống còn, lòng nhân ái chứa chan ấy làm sao tôi có thể quên được. Những
gì anh đã quên mình để
giúp
tôi sống sót tôi vẫn khắc ghi, chính nó đã chuyền tôi thêm nghị lực và ý
chí hầu vượt qua bất cứ khó khăn nào trong suốt đoạn đường lao khổ còn
lại trước khi được trả tự do.
Nguyễn Đình Xanh, anh đã là một người Việt Nam tuyệt vời và bây
giờ anh là một người Mỹ vĩ đại. Tôi mang ơn anh suốt đời và tôi cũng
xin tri ân đời đã cho tôi tìm lại được người vĩ đại tuyệt vời này của
tôi.
Sông Lô Lê Nam Sơn lược dịch